Đại Đạo tịnh mịch hư vô, chợt động và sinh Thái Cực, ấy là Đạo sinh Nhất Khí.
Nhất động diễn sinh 2 khí Âm Dương, ấy là Nhất sinh Nhị. Dương khí thanh nhẹ bay lên làm Trời, Âm trọng trược nặng rơi xuống làm Đất.
Lý của Đất Trời là Âm Dương thăng giáng. Dương thanh nhẹ bay lên, Âm khí trọc rơi xuống. Âm khí trọc rơi xuống gặp Đất thì không xuống được nữa, thái cực và sinh Dương nên mọi cái mọc hoặc sinh ra từ Đất đều hướng lên Trời. Thanh khí bay lên gặp Trời không qua được, thái cực mà sinh Âm rơi trở về với Đất. Một Âm một Dương, một lên một xuống không ngừng vận hành giống như Nhật Nguyệt giao hoan vậy, nhờ đó mà vạn vật sinh thành.
Nương theo cái lý khi hình thành của Đất Trời, sau khi thực hành Bế Mục Minh Tâm, Tâm đã an, Thần đã định, Tức đã chân thì chúng ta mang cái Tâm ấy, mang cái Thần ấy, mang cái Tức ấy định vào Hư Không thì Khí tự về, đấy là ý nghĩa thực sự của công pháp Phục Khí, thiết lập được Thái Cực trong thân. Kiên trì đủ độ thì Khí mãn, Thần sung.
Khi Khí đã mãn, Khí tiếp tục về mà không có chỗ chứa, lại không thể đi lên thì khai Xung mạch tràn xuống Vĩ Lư, dọc theo Đốc mạch xông phá Tam Quan mà tiến vào Nê Hoàn, rồi lại từ Nê Hoàn tràn xuống trán, xuống miệng hóa dịch trở về Đan Điền. Ở Đan Điền sau khi đã tụ được hỏa và thiết lập được Lô thì sẽ đun luyện dịch này hóa thành thanh khí lại theo Đốc mạch bay lên, rồi lại hóa dịch đi xuống, một lên một xuống, cứ tuần hoàn như vậy y như sự lên xuống của mặt trăng mặt trời, hết ngày đến đêm, hết nắng lại chuyển mưa.
Mỗi 1 lần lên 1 lần xuống, được một vòng thì gọi là một chu thiên, qua mỗi chu thiên, nhờ có tác dụng của Lửa đã tụ trong Đan Điền mà khí thanh càng thêm thanh, thanh thì bay lên làm Trời, khí nặng rơi xuống làm Đất, hình thành nên Tiểu Thiên Địa trong thân, lúc này chính thức bước vào con đường song tu Tính Mệnh. Tính là Thần là Âm là tinh hoa của Trời, Mệnh là Khí là Dương là tinh hoa của Đất. Khí Thần gặp nhau, Âm Dương giao hòa mà hóa sinh vạn vật, trong đó Thánh Thai là tinh trong những cái tinh, chính là con người trong cái Tiểu Vũ Trụ ấy.
Khi Tiểu Vũ Trụ ấy hình thành, Khí Dịch tự vận hành trong thân, một ngày một đêm đi hết một vòng, Đất Trời thì một năm âm dương giao hợp một lần, nên nói một ngày ở nhân gian bằng 1 năm ở trên trời là vậy.
Khi Tiểu Vũ Trụ ấy hình thành, nó giống như con quay đang quay, nó tự đứng vững, cũng giống như trái đất tự quay và quay quanh mặt trời vậy, có sự độc lập tương đối và ít chịu ảnh hưởng bởi môi trường xung quanh như những người khác.
Trong cái Tiểu Vũ Trụ ấy, có Thiên có Địa, có mặt trăng mặt trời không ngừng chiếu Chân Dương xuống, Chân Khí không ngừng được sinh ra, thăng lên qua Đốc mạch, khí mãn hóa Dịch là Chân Thủy rơi xuống, như vậy Tiểu Vũ Trụ có đầy đủ 4 yếu tố Địa, Thủy, Hỏa, Phong như Đại Vũ Trụ bên ngoài.