Ở đại Thiên Địa bên ngoài, hoa quả là sản vật của Đất nhưng lại có căn nguyên và được nuôi dưỡng từ Trời, ví như không có ánh sáng của mặt trời thì hoa kia, quả kia có thành tựu được hay không? Cũng như em bé được sinh ra ở bụng mẹ nhưng căn nguyên lại ở người cha. Đó là cái lý của Đất Trời, đó là đạo của Tự Nhiên, đạo của âm dương hòa hợp. Con người cũng vậy, Tu Đạo trước hết phải hợp với Tự nhiên. Thiên Địa này là giả hợp của 6 yếu tố: Đất, Nước, Lửa, Gió, Tinh Không và Tinh Quang, con người muốn hợp cùng Thiên Địa thì phải có được Lục Hợp này.

Địa hợp

Không phải tự nhiên dân gian gọi một từ Đất Mẹ thiêng liêng, nhờ bao dung nhận lấy tất thảy về mình, không phân biệt đó là ngọc ngà châu báu hay cặn bã rác rưỡi mà Đất dung được vạn vật, chuyển hóa vạn vật, nuôi dưỡng vạn vật nhờ đó mà trở thành mẹ của muôn loài.

Đất còn là nền tảng của Tâm, nền tảng không chắc chắn thì xây gì trên đó cũng đổ, tham vọng xây càng cao, càng to, càng lớn càng nhanh đổ. Đất kiên cố, Đạo Tâm vững chắc thì tự nó có từ trường, trọng lực thu hút các nhân duyên đến.

Còn con người, tâm bé nhỏ đến việc cỏn con như móng tay cũng phát hỏa không chứa nổi, không chấp nhận được mà lại muốn làm chuyện khó nhất trong thiên hạ: giải thoát mình khỏi sự trói buộc của âm dương sinh tử. Bề bộn một chút cũng không chịu được nổi cáu loạn lên, yêu thương thì giới hạn trong thân thuộc của mình, người ngoài sai một tý đã không chấp nhận được vậy mà lại muốn ôm cả đất trời há nực cười lắm sao?

Hãy bao dung và rộng lượng, tức khắc sẽ có Đất Trời ngay trong thân của chính mình.

Thủy hợp

Nước không có hình, ở đâu cũng nhường nhịn không tranh giành mà nó có thể hòa mình len lỏi khắp nơi để dưỡng vạn vật. Nó ở chỗ hình vuông thì nó vuông, nó ở chỗ hình tròn thì nó bầu, nó ở chỗ không hình thì thành thể khí.

 Ở đâu nước cũng len lỏi thấm đẫm và nuôi dưỡng vạn vật bằng cách nhặt nhạnh những cặn bã, làm sạch, và thanh lọc những vật mà nước đi qua, làm mọi vật trở nên trong sáng, sạch sẽ và tinh khiết.

Còn người đời, thường chỉ biết làm sạch cho bản thân mình mà xả rác ra nhà người, thích sạch nhưng lại cũng thích nhồi nhét rác vào người khác (quát mắng như té nước bẩn vào người), thích sạch sẽ nhưng lại ôm mấy thứ rác rưởi vào đầu (ôm vào suy nghĩ, lo lắng, sợ hãi), hoặc khiến cho người khác phải sợ mình.

Hãy như nước làm sạch Thân Tâm của mình và làm sạch mọi thứ xung quanh, khiến cho moi thứ trở nên tinh khiết và thanh tịnh.

Hỏa Hợp

Lửa có tính hướng thượng, chỉ có một chiều đi lên, chính là dùng sự ấm áp của mình để đưa mọi thứ lên cao.

Người đời thì ngược lại, đi đến đâu cũng muốn mình ở trên cao và dìm thiên hạ xuống dưới. Hãy tưởng tượng rác rưởi hôi thối như thế, ô uế như thế nhưng chỉ cần một mồi lửa, tự nhiên không khí trong lành thanh tịnh, lại có một lớp tro tàn cung cấp dinh dưỡng để cho cỏ cây hoa lá hồi sinh ngay tại chỗ đã từng là rác rưởi đó.

Thánh nhân hay bất kỳ một vị giác ngộ nào cũng thế, cố gắng đưa tâm thức của mọi người lên cao, lôi mọi người thoát khỏi đống khổ đau phiền não mà không có bất cứ một điều kiện gì, không có đánh đổi, không có trừng phạt, chỉ có yêu thương và yêu thương mà thôi.

Phong Hợp

Gió đó là sự cân bằng, mang mọi thứ từ chỗ nhiều đến chỗ ít, lấy ở chỗ thừa và bù vào chỗ thiếu, trung dung tự do tự tại.

Hãy học gió, cái gì là Chân Tâm của mình thì tìm về, cái gì không phải Chân Tâm của mình thì xả đi, tự mình làm cho mình đủ đầy, tự mình làm cho mình viên mãn, không thừa không thiếu.

Bản tính của mình vốn thanh tịnh, không thừa không thiếu nên đừng làm cho nó bị tẩu lậu, rò rỉ, và cũng đừng thêm vào dù một chút tham, sân, si, mạn, nghi.

Bản tính của mình vốn là yêu thương, thì đừng tự giới hạn tình yêu của mình trong bốn bức tường, như thế gió sẽ không còn là gió, hãy mang yêu thương đó đi tới khắp Đất cùng Trời, đâu đâu cũng có mặt.

Bản tính của mình là linh động thì cũng đừng trói buộc mình hay ai trong các pháp hữu vi. Bản tính của mình vốn là tự do thì cũng đừng bắt ai phải trói buộc.

Người giàu có là người không thiếu cái gì, chứ không phải là có rất nhiều, người tự do không phải là đi lại nhiều mà là người không bị trói buộc, và khi yêu thương thực sự thì thực sự người ta chả cần bất cứ cái gì nữa.

Hợp Không

Khác với Đất là bao dung tất thảy mà nhận về mình, nhờ thế mà thành Mẹ của muôn loài, Tinh Không thì lại nhường chỗ cho vạn vật nhờ đó mà tạo nên cái Dụng của vạn vật. Hay nói cách khác Tinh Không chính là phần bù cho phần còn lại của vạn vật để viên mãn và làm tròn đầy vạn vật.

Ví như cái bát sành, thật ra chúng ta không cần đến bản thân cái bát bằng sành này mà chúng ta cần chính khoảng không trong lòng bát tạo nên, cái chúng ta cần chính là cái dụng của bát tức là để đựng, để chứa thức ăn, ví như cái bát mà không có khoảng không ở trong tức đặc sệt thì người ta dùng cái bát để làm gì? Hay ví như căn nhà nếu bên trong nó đặc sệt thì căn nhà dùng để làm gì? Chúng ta đâu có ở trong đó mà trú nắng trú mưa được? Tinh Không là để viên mãn vạn vật, để tạo ra cái dụng của vạt vật.

Con người thì thường chỉ biết thỏa mãn và lợi lộc chính mình chẳng chịu nhường ai, người khác tiến một bước thì mình cũng tiến một bước, người ta chém một đao thì mình cũng chặt một kiếm, không ai chịu nhường ai, chính vì thế mới xây nên cái bản ngã cao như núi Tu Di của mình.

Chính vì không chịu nhường ai nên con người đánh mất đi tính công bằng, bởi chỉ chú ý đến những cái dụng có lợi cho mình mà không để ý coi trọng hay ghét bỏ những cái tầm thường không có lợi cho mình, cái gì cũng có cái dụng của nó, cơm có dụng của cơm, phân có dụng của phân, nào có cái gì quý hơn cái gì, mình không ăn được thì sinh ra ghét bỏ và đẩy cho kẻ khác chứ cỏ cây hoa lá nó cần phân còn hơn cả mình cần cơm.

Chỉ có những người giác ngộ mới để ý, thành toàn và làm viên mãn cho chúng sinh. Còn lại dường như chỉ muốn làm cho chúng sinh ngu muội đi, dính chấp nhiều hơn để dễ kiểm soát và lấy đi tiền bạc hay hấp thụ tinh khí thần của họ mà thành toàn bản thân của mình.

Hợp Quang

Bản chất của Tinh Quang là Thái Hòa Quang. Nghĩa là tôi sáng, anh sáng, cái sáng của cả hai giao hòa và làm sáng thêm cho nhau, chứ cái sáng của tôi không làm ảnh hưởng hay làm lu mờ đi cái sáng của anh và ngược lại, tôi châm đèn, anh đốt nến, đèn và nến cùng hòa vào nhau làm cho căn phòng này đều sáng lên.

Ngày nay các pháp quá nhiều, nhưng chỉ có đạo của mình là sáng là chân, còn đạo của người khác là tối là tà nên dẹp đi. Họ đâu biết Đạo vốn dĩ là một nhưng tùy theo căn cơ của chúng sinh mà sinh ra vạn pháp, làm gì có pháp nào cao hơn pháp nào, pháp nào giúp con người tốt lên, thoát khỏi trói buộc dính chấp thì đều là pháp tốt, hãy nhìn bầu trời đầy sao, sao nào cũng sáng, đạo tôi sáng và đạo anh cũng sáng, ánh sáng của chúng cùng hòa vào nhau tạo nên sao trời lấp lánh, không phải bầu trời khi ấy mới tuyệt diệu sao?

Người đời cũng vậy, thấy ai sáng hơn mình thì ghen ghét đố kỵ, tìm cách làm cho họ lu mờ đi và làm cho mình sáng lên, họ đâu biết rằng càng cố làm cho mình sáng lên thì bản thân lại càng bị lu mờ đi. Tại sao vậy? vì họ mang ánh sáng của mình để trên đầu, cho nó rực rỡ và tỏa ra bên ngoài, khiến cho bản thân mình trở thành tinh vi tinh tướng, chính mình che đi Chân Tâm của mình. Còn các vị giác ngộ, Phật hay Bồ Tát thì thường đem ánh sáng ẩn giấu vào Tâm của mình làm sáng lên Tự Tánh của họ, và khi thấy chúng sinh ngụp lặn trong tăm tối, lúc nào cũng tìm cách thắp lên ngọn lửa trong Tâm họ mà không phải thắp lên ngọn lửa trên đầu của chúng sinh.

Địa, Thủy, Hỏa, Phong, Tinh Không, Tinh Quang đó là Lục Hợp tạo nên hình thể của Thiên Địa này. Người tu muốn chí thành phải hợp tự nhiên, nghĩa là phải có được Lục Hợp này. Bên trong hợp thì bên ngoài khắc hợp nên người có được Lục Hợp thì bụng chứa Càn Khôn, bao dung được vạn vật.

Lục Hợp

Trả lời

Email của bạn sẽ không được hiển thị công khai. Các trường bắt buộc được đánh dấu *