Là con người, bản thể chúng ta có tay có chân, có khí có huyết, có buồn có vui nhưng tay đó chân đó không phải là mình, khí đó huyết đó không phải là mình, buồn đó vui đó không phải là mình. Mình là cái tổng thể bao hàm toàn bộ các bộ phận cấu thành, không thiếu không thừa, tất cả các bộ phận đều phản ánh mình nhưng riêng lẻ không có cái nào gọi là mình, nó chỉ phản ánh một phần có giới hạn (hữu vi) của cái toàn thể (vô vi).

Đạo cũng vậy, thể của nó là vô, bao hàm toàn bộ tất cả các vạn hữu. Bởi nó là vô nên có thể co có thể duỗi, khi co thì không có gì bé bằng, khi duỗi không có gì lớn bằng. Bởi là vô nên bất sinh bất diệt, không có đầu và cũng không có cuối, bởi là vô nên không phương không hướng nên thời gian và không gian cũng không tồn tại, mọi vật chân chất như như. Tượng như hình tròn nên gọi là Linh Đan, là Chân Như, là Thái Cực, 3 tên gọi khác nhau của Tam Giáo nhưng thật ra là cùng 1 vật vậy. Là Thái Cực, là Vô, hay là Không thì cũng là nó cả. Đạo chỉ có Một, là Chân Nhất Chi Khí.

Vạn hữu ngược lại hữu hình hữu tướng nên được định danh để phân biệt. Mỗi cái hữu vi đều là một dạng tồn tại, có sinh có diệt, có hóa có sinh, có lưu có chuyển, có tương có tác, có thời có không, nhờ thế mà rực rỡ sắc màu, thiên biến vạn hóa. Vì thế nên nói Pháp không chỉ Một.

Từ vô thủy, Đạo sinh Nhất (Nhất Khí), Nhất sinh Nhị (Nhị khí Âm và Dương), Nhị sinh Tam, Tam là vạn hữu hay gọi là Tam giới. Tam giới dù là vô giới, vô hữu giới hay hữu giới thì cũng đều do Nhất Khí hóa sinh, bởi do Nhất Khí hóa sinh nên cũng chỉ là giả tạm chỉ có Chân Nhất Chi Khí là Thật, nên Đạo mới nói Đắc Nhất, Phật mới nói Quy Nhất, Nho mới nói Quán Nhất, Yoga mới nói Hợp Nhất, Đạo chỉ có Một mà Pháp thì có Nhiều, đó cũng là do nhân duyên của chúng sinh mà hiển hóa cho hợp, Đạo làm gì có cao hay thấp nên pháp pháp bình đẳng, cao hay thấp là do chúng sinh phân chia chứ vốn Đạo là Một.

Người đời, vốn không kết nối được với cái Nhất, không ngộ được tính Không, không hiểu được cái Vô nên thường giam mình trong cái hữu vi. Kể cả người tu tập cũng thường nhốt mình trong Pháp của mình mà bài Pháp của bạn hữu, chưa thấy được vạn pháp đều là Một, đều do Nhất Khí hóa sinh. Vì thế cũng thường lấy Đắc Pháp là đích tu tập mà không lấy Đắc Đạo. Thay vì đắc Tính Không thì lại cả đời phấn đấu ngồi được kiết già, giới được 5 giới, thở được 4 thì, v.v xét cho cùng cũng muốn phấn đấu trở thành thầy bói xem voi, phấn đấu sờ được cái chân, sờ được cái tai đã lấy làm mãn nguyện lắm rồi.

Chỉ có ngộ được chữ Vô rùi thì mới thấu được sự tồn tại của vạn Hữu, giống như xung quanh cái cốc là không khí thì cái cốc chúng ta thấy mới trọn vẹn tứ bề, một phần nào đó còn đặc quánh như ngập trong cát trong bùn mà bảo thấu cái cốc thì làm sao được, cũng vậy đi đến cái tận cùng của Hữu thì sẽ chứng đắc được cái Vô, giống như khi mất đi một thứ gì đó rùi mình mới nhận ra vật đó quan trọng với mình vậy. Dù là Vô hay Hữu thì cũng đều do Nhất Khí hóa thành, dù là Tính hay Mệnh thì cũng do Nhất Khí dựng dục, Tính không cũng không tồn, Mệnh không cũng không lập, chỉ có thấu tận Tính mới liễu Mệnh, tận Mệnh mới liễu được Tính như hình tròn Chân Nhất thì mới không bị Tam Giới ràng buộc.

Ví như người đó ở trên trái đất, cứ theo nhất phương mà thẳng tiến, chẳng hạn theo phương Bắc, thì đi đủ 1 vòng trái đất cũng quay lại chỗ xuất phát, rồi người đó lại đi theo phương Đông mà thẳng tiến, đủ 1 vòng lại trở về vị trí ban đầu, 1 2 rồi 3 4, 5 6 rồi 7 8 phương, 9 rồi đến thập phương là cực hạn, không thể có thêm nữa, nhưng nhìn lại, thập phương cũng chính là vô phương, tận cùng của hữu là vô, vô này khác số 0 ban đầu, cùng vị trí nhưng khác về chất, nên Đạo mới gọi là phản bản hoàn nguyên. Mang cái vô này mà tiếp xúc với bất cứ 1 vật hữu vi nào, thì tại điểm tiếp xúc đó sẽ tự sinh ra phương ra hướng, tự sinh ra pháp, nên hành trang của người vô vi là vô phương vô pháp, chả mang theo gì nên cũng chẳng có gì trói buộc. Tùy theo nhân duyên mà hiển lộ các pháp tướng cho phù hợp, gặp nước ở hồ thì bốc lên, gặp nước ở mây thì rơi xuống, làm gì có thuận hay nghịch, vốn dĩ cái vòng tròn đó không có đầu không có cuối, nó vượt thoát khỏi không gian, thời gian.

Rồi như chuyện người ta chỉ nhìn thấy 3 bậc cầu thang, người tưởng bậc hè, người tưởng bục nhận giải thưởng, người nhìn thấy bậc cao bậc thấp, người nhìn thấy bậc ngắn bậc dài, nếu như người đó bỏ bậc mà nhìn tổng thể sẽ nhìn ra cái cầu thang, họ sẽ hiểu, cầu thang có bậc thấp là cho trẻ nhỏ, bậc cao là cho người lớn, người ta còn nhìn thấy cả cầu thang mà không có cả bậc thang giành cho người khuyết tật đi xe lăn, mọi sự khác biệt đều thống nhất trong một cái hình hài thống nhất, tùy theo dụng mà biến ra các thể cho phù hợp. Rồi người đấy lại vượt thoát ra khỏi cầu thang, nhìn thấy cầu thang này bắc được từ tầng 1 lên tầng 2, rồi lại có thể dùng để đi từ tầng 7 lên tầng 8 mà không thể bắc từ tầng 1 lên tầng 3 hay từ tầng 2 lên tầng 8, họ hiểu cái “hữu vi” của cầu thang đó chỉ có tác dụng trong phạm vi chênh lệch 1 tầng, vượt ra ngoài cái phạm vi đó nó không còn hữu dụng nữa, lúc đó là lúc vượt thoát khỏi cái “hữu vi”, họ nắm trong tay pháp về cầu thang mà tùy nghi vận dụng linh hoạt, không bị gò bó trói buộc trong một hình tướng cụ thể nào. Cuối cùng họ cũng nhận ra cầu thang gì đó cũng là hư huyễn, là dấu hiệu nhận ra mình đang bị kẹt trong ngôi nhà đó, nếu tâm mình vượt lên, vi vu với gió ngàn thì cái cầu thang đó đã không cần nữa rồi.

Mọi tạo tác đều là động, mà cái động nhất là tạo tác “Tự nhiên nhi nhiên” , tạo tác mà kết quả đạt được y như tự nhiên làm, bởi y như, không thay đổi gì so với Tự nhiên tạo tác, không có sự khác biệt nên mới gọi là Tĩnh, Cực của động là tĩnh, cái tĩnh này mới là cái đại tĩnh, quá hoàn mỹ, tạo tác mà như không tạo tác này mới là tạo tác, vạn cái tạo tác hữu vi cũng không so được 1 góc. Dù rất nỗ lực, nhưng vạn cái tạo tác hữu vi thì kết quả cũng không là bao so với Tự nhiên làm nên tính ra cũng là thừa, nên người vô vi chỉ làm những việc cần làm, không cần nỗ lực, tự nhiên như nhiên, làm mà không sở hữu, công thành mà không ở lại, đi đến vạn vật hưng thịnh mà không can dự.

Còn phân biệt Đạo, Đời hay Pháp thì đều đang chấp vào Hữu vi, nhưng nếu không phân thành cái Hữu này thì cũng không thể hiểu được cái Vô, Đạo khả đạo phi thường đạo, danh khả danh phi thường danh ý nghĩa là vậy.

Pháp bất nhất, Đạo bất nhị

Trả lời

Email của bạn sẽ không được hiển thị công khai. Các trường bắt buộc được đánh dấu *