Nếu Tâm là cây nến, thì ánh sáng của nó gọi là Thức. Trong cõi vô minh, tâm ta chiếu rọi, sánh sáng của nó lan tỏa khắp nơi và chúng ta sẽ “tự thấy” đường mà đi (Đạo), cái này gọi là Tuệ.

Chúng ta để nến ở góc phòng, ánh sáng của nó cũng le lói ở góc phòng, nhưng nếu chúng ta để nến ở vị trí trang trọng giữa phòng và ở trên cao, ánh sáng của nó sẽ lan tỏa khắp phòng, đồng nghĩa, chúng ta sẽ tự biết được nhiều thứ (thấy) ở trong phòng hơn, sẽ không còn dẫm lên cái này, va vào cái nọ,…chúng ta dần bớt vô minh.

Nến chỉ có ý nghĩa khi nó sáng, nên tâm không thể tách ra khỏi thức. Muốn nâng cao hiểu biết của chúng ta, chỉ có 2 con đường, một là nâng cao vị trí của tâm và hai là tăng cường độ sáng của tâm. Tâm càng cao càng sáng thức càng rộng càng sâu.

Các cảnh giới của tâm thức như sau:

Tầng 1: Ngôn từ, tức là nhìn thấy hình tướng, là vẻ bên ngoài của sự vật, hiện tượng.Ví dụ:

– Làm theo các bước như người ta dạy trong các khóa học, là bước chân vào của của tầng thứ nhất. Trong quá trình thực hiện, có cải biến và áp dụng cho phù hợp với điều kiện hoàn cảnh của riêng mình (vận dụng sáng tạo) và đạt được hiệu quả y như người thầy của mình làm thì được coi là viên mãn tầng 1.

– Tầng 1 thì học trò không vượt qua được cái bóng của người thầy, hoặc ý nói viên mãn tầng 1 mới bằng thầy của mình.

Tầng 2: Ý tứ. Ý tại ngôn ngoại, ý tứ là bỏ qua hình tướng và nhìn vào bản chất bên trong của sự vật, hiện tượng.

Ý tứ có không gian và thời gian, phạm vi không gian của nó gọi là tứ cục, thời gian của nó chỉ sự sinh diệt của ý, không gian thời gian kết hợp tạo thành 1 bố cục để diễn đạt trọn vẹn 1 ý. Ví dụ:

– Một bức tranh thủy mạc hay 1 đôi câu đối. Ngày xưa các cụ không học toán nhưng chỉ cần nghe câu đối hoặc làm một bài thơ cũng biết là người tài giỏi.

– Khi học một bài quyền hay 1 động tác nội công, làm được đúng động tác là bước chân vào tầng 1, luyện có thành tựu là viên mãn tầng 1, tuy nhiên bỏ qua động tác, nhìn ra được sự vận hành của khí huyết khi tập động tác đó là bước chân vào tầng thứ 2, khi thấy được bố cục khí, huyết trong các bộ phận trong cơ thể, từ đó có thể dễ dàng nghĩ ra các động tác để khai thông hoặc cân bằng lại khí huyết giữa các bộ phận thì là viên mãn tầng thứ 2.

– Khi tham gia cãi nhau con gà có trước hay quả trứng có trước là tâm thức đang ở tầng 1. Nếu lùi lại một bước, đưa tâm thức lên tầng thứ 2 sẽ thầy toàn cục lúc bấy giờ, không chỉ có con gà, quả trứng còn có không gian xung quanh như cái bàn (hoặc cái gì đó) và tất cả đều đang cùng tồn tại. Nếu lại truy lại nguồn gốc lịch sử sẽ thấy được lần lượt các sự vật hiện tượng xuất hiện trong bố cục đó, chúng ta sẽ thấy được con gà là có trước hay quả trứng có trước, và kết cục của mấy người đang cãi nhau con gà có trước hay quả trứng có trước là đánh nhau vỡ đầu chẳng hạn.

– Tầng 2, thầy vừa nói, chưa cần nói hết ý, trò đã bắt được ý của thầy, và tự nhìn thấy được nguồn gốc, quá trình diễn sinh và kết cục của ý đó, là cách học một biết mười, thầy và trò cùng đồng hành, đôi khi trò giỏi hơn thầy.

Tầng 3: Ý cảnh. Nhiều tứ cục như vậy được kết hợp lại với nhau và có mỗi quan hệ mật thiết với nhau một cách tròn đầy viên mãn thì gọi là 1 cảnh.

Cảnh là đơn vị tròn đầy viên mãn đầu tiên của Đạo. Đã viên mãn nên thêm cái gì vào cũng thừa và lấy đi cái gì cũng thiếu.

Tâm ở tầng nào thì phải dùng thức của tầng ấy mới hiểu được hết giá trị của nó. Nếu dùng thức ở tầng thấp mà cố hiểu tâm ở tầng cao là điều vô cùng khó khăn.

– Nói về sách, nhiều cuốn sách có thể có ý, nhiều sách không tìm thấy nổi 1 ý trọn vẹn mà ở dạng “tàn phiên” tức là thể hiện ý được một phần nhưng không trọn vẹn. Và gần như không có nhiều sách có chứa ý cảnh trọn vẹn chứ đừng nói là bản đầy đủ, kinh thánh là một cuốn như thế.

– Lại nói về cách học, học bám vào ngôn thì học được 3 phần của thầy, bắt lấy ý là cách học 1 biết 10, học mà nắm bắt được ý cảnh là cách học không cần học.

– Lại nói về chu dịch, phân chia thế giới quan thành 64 quẻ tương đương với 64 cảnh. Ví dụ Quẻ Thiên Hỏa Đồng Nhân là cảnh chỉ nên phương pháp tu luyện của toàn bộ các dòng phái YOGA: Hỏa xà Kundalini phải lên được Thiên là Luân xa 7 thì mới thành Người. Nếu chỉ chú ý vào hào từ (ngôn từ- tầng 1) mà hiểu thì thật cũng chả khác gì nói trời bằng cái vung.

– Nói về chữa bệnh, chữa trực tiếp vào bệnh như Tây Y là dùng tâm thức tầng 1, chữa nguyên nhân gây bệnh như Đông Y là dùng tâm thức tầng 2, phòng không để ra bệnh là dùng tâm thức tầng 3.

Hỏi hiểu không ? hiểu. Thế thì chịu, không biết hiểu ở tầng nào, nên thấy biển học mênh mông, nếu không có định hướng thì thấy gì cũng học và học suốt đời có khi lại chả được cái gì.

Cảnh viên mãn nên thành tựu về cảnh đánh dấu thành tựu đầu tiên của người tu đạo, chủ của cảnh là thần, trong cảnh đấy, mình làm chủ toàn bộ, Master nghĩa là như vậy, đủ sức làm thầy trong cảnh đấy. Sau cảnh còn giới, sau giới là cõi,… cái này từ từ sẽ trải nghiệm.

Bản chất của người tu đạo là nâng cao cảnh giới của tâm. Nên thông qua bất cứ một pháp môn nào hay thậm chí là nghề nghiệp nào cũng có thể đạt được thành tựu về tâm thì đều là người tu đạo. Ông Masanobu Fukuoka người nhật là một ví dụ, thông qua việc làm nông cũng đắc ra đạo của mình, làm chủ 1 Cảnh là trồng cây không cần cày cấy và bón phân (hoàn toàn tự nhiên, đi ngược lại tất cả những gì về khoa học làm nông bây giờ), công việc gần như chỉ có gieo hạt và thu hoạch mà năng xuất cây ông trồng không thua kém gì những đồng ruộng áp dụng khoa học tiên tiến nhất trong khi sức của một mình ông có thể trồng và thu hoạch vài hecta. (xem thêm trong cuốn sách Cuộc cách mạng 1 cọng rơm).

Thực hành và quen với các cảnh giới của tâm thức, chúng ta dần dần sẽ quen với một nhãn quang sắc bén, không bị chấp vào câu từ và hình tướng và dễ dàng có được thành công hơn cuộc sống này cũng như sống một cuộc sống hạnh phúc hơn do Tâm không còn bị vướng bận và Thức thường trực, mình là người thầy của chính mình.

Cảnh giới của tâm thức

Trả lời

Email của bạn sẽ không được hiển thị công khai. Các trường bắt buộc được đánh dấu *