Tam Dương Tụ Đỉnh mà sinh Dương Thần. Đã có Thần ngự thì như thái tử lên ngôi, lập tức quần thần mọi nơi hướng về mà triều nguyên.
Phép Thủ Khảm Điền Ly, Chân Dương đi lên mà biến Khảm thành Khôn, Ly thành Càn, Càn Khôn định thì Đất Trời thành hình, âm dương định vị mà phân ra ngũ phương Đông Tây Nam Bắc và Trung ương do ngũ Đế cai quản.
Thanh Đế Giáp Ất Mộc, Giáp là Dương, Ất là Âm, như là Khí và Dịch của Can.
Xích Đế Bính Đinh Hỏa, Bính là Dương, Đinh là Âm, như là Khí và Dịch của Tâm.
Hoàng Đế Mậu Kỷ Thổ, Mậu là Dương, Kỷ là Âm, như là Khí và Dịch của Tì.
Bạch Đế Canh Tân Kim, Canh là Dương, Tân là Âm, như là Khí và Dịch Phế.
Hắc Đế Nhâm Quý Thủy, Nhâm là Dương, Quý là Âm, như là Khí và Dịch của Thận.
Phàm, Mùa Xuân thì Can vượng mà Tỳ nhược, Mùa Hè thì Tâm vượng mà Phế nhược, Mùa Thu thì Phế vượng mà Can nhược, Mùa Đông thì Thận vượng và Tâm nhược. 18 ngày cuối của bốn mùa thì Tỳ vượng mà Thận nhược.
Nhân ngũ khí 4 mùa đang vượng thì tiến hành luyện tạng để trong dương thì dưỡng dương, luyện cho tạng thêm dương. Pháp này còn gọi là Tam Dương Luyện Tạng:
Nhân khí vượng mà luyện tạng tương ứng thì như cá gặp nước, chim trở về trời, đó là: Mùa Xuân, Thanh khí vượng, nhân Thanh khí vượng mà khởi hỏa tiến hành luyện Can. Mùa Hạ, Xích khí vượng, nhân Xích khí vượng mà khởi hỏa tiến hành luyện Tâm. Mùa Thu, Bạch khí vượng, nhân Bạch khí vượng mà khởi hỏa tiến hành luyện Phế. Mùa Đông, Hắc khí vượng, nhân Hắc khí vượng mà khởi hỏa tiến hành luyện Thận. Khoảng 18 ngày cuối của 4 mùa, là thời kỳ chuyển giao giữa các mùa thì Hoàng khí Vượng, nhân đó mà khởi hỏa luyện Tỳ. Đó là Nhất Dương.
Nhân khí vượng mà luyện tạng tương sinh thì thuận như đưa võng, làm chơi ăn thật, như nhà có của để giành, đó là nhân dương mà dưỡng dương. Đó là, ngày Xuân khởi hỏa luyện Thận, ngày Hạ khởi hỏa luyện Can, ngày Thu khởi hỏa luyện Tỳ, ngày Đông khởi hỏa luyện Phế. 18 ngày cuối 4 mùa thì khởi hỏa luyện Tâm. Đó là Nhị Dương.
Nhân khí vượng mà luyện tạng tương khắc, hết bị khắc thì tự tương sinh, như chim sổ lồng, như cá thoát khỏi mồi câu. Đó là ngày Xuân khởi hỏa luyện Tâm, Tâm Hỏa mạnh chế Phế Kim mà vượng Can Mộc; Ngày Hạ, khởi hỏa luyện Tỳ, Tỳ Thổ mạnh chế Thận Thủy mà vượng Tâm Hỏa. Ngày Thu, khởi hỏa luyện Thận, Thận Thủy mạnh chế Tâm Hỏa mà vượng Phế Kim. Mùa Đông, khởi hỏa luyện Can, Can Mộc mạnh chế Tỳ Thổ mà vượng Thận Thủy. Giao thời giữa các mùa, giờ Thận Dậu khởi hỏa luyện Phế. Phế Kim mạnh chế Can Mộc mà vượng Tỳ Thổ. Đó là Tam Dương.
Nhân khí 4 mùa đang tiêu mà không cho tiêu đó là dùng dương để luyện âm, không cho dương tán mà bảo tồn được Dương. Luyện cho Tạng vô âm nên pháp này gọi là Thoái Âm Luyện Tạng. Đó là, ngày Xuân khởi hỏa luyện Tỳ, ngày Hạ khởi hỏa luyện Phế, ngày Thu khởi hỏa luyện Can, ngày Đông khởi hỏa luyện Tâm. Vào giờ Thìn Tuất Sửu Mùi hàng ngày thì khởi hỏa luyện Thận.
Luyện Ngũ Khí mà không biết thời và độ số thì cũng như không, chẳng biết Tiến Dương Thoái Âm, không biết lúc nào sinh mà nhân cái sinh mà thái, lại không biết lúc nào tán nhân cái tán để mà tụ, trong dương thì dưỡng dương, trong âm thì bảo tồn dương thì âm mới tiệt, dương mới thuần, ngũ khí mới triều nguyên, tam hoa mới tụ đỉnh mà kết Dương Thần.
Âm Dương thăng giáng của Đất Trời 1 năm giao hợp 1 lần, Tinh hoa qua lại của Nhật Nguyệt 1 tháng giao hợp 1 lần, Khí Dịch ở người thì một ngày một đêm giao hợp 1 lần, nên các cụ có câu, một ngày ở nhân gian bằng một tháng ở trăng, và bằng một năm trên trời. Một năm có 4 mùa, dương sinh ở Đông Chí và âm sinh ở Hạ Chí; Một tháng có 4 tuần, dương sinh ở Nguyệt Đán (mùng 1) và âm sinh ở Nguyệt Vọng (ngày rằm); Một ngày có 4 buổi chia làm 12 cung giờ, dương sinh ở Tý và âm sinh ở Ngọ.
Ngũ khí tương ứng với 4 mùa, 4 tuần và các giờ trong ngày như sau:
Can khí tương ứng với mùa Xuân, tuần 1 và giờ Dần Mão.
Tâm khí tương ứng với mùa Hạ, tuần 2 và giờ Tỵ Ngọ.
Phế khí tương ứng với mùa Thu, tuần 3 và giờ Thân Dậu.
Thận khí tương ứng với mùa Đông, tuần 4 và giờ Hợi Tý.
Tỳ khí tương ứng với 18 ngày cuối của 4 mùa, vào các ngày Nguyệt Đán (1), Nguyệt Hối (30), Nguyệt Vọng (15), Thượng Huyền (8-9) và Hạ Huyền (22-23) trong tháng và các giờ Thìn Tuất Sửu Mùi trong ngày.
Chọn thời đúng cả mùa, đúng cả tuần, đúng cả giờ là Tam hợp dùng để luyện Nhất Dương. Ví dụ mùa Xuân, tuần 1, giờ Dần Mão khởi hỏa luyện Can Khí.
Chọn thời đúng tuần và giờ thì là Nhị hợp, dùng để luyện Nhị Dương và Tam Dương, và dùng để dưỡng dương trong âm.
Nếu thời gian tập không cho phép mà chỉ chọn được Nhất Hợp thì ưu tiên mùa hợp, sau đến tuần hợp, sau đến giờ hợp. Nếu thời gian tập cũng không cho phép thì ưu tiên tập Nhất Dương, Nhị Dương, Tam Dương rồi mới đến luyện dương trong âm. Người tập nên tự xây dựng giờ tập cho phù hợp với bản thân.
Mùa Xuân luyện 1000 hơi thở thì Thanh Khí hiện, mùa Hạ luyện 1000 hơi thở thì Xích Khí hiện, mùa Thu luyện 1000 hơi thở thì Bạch khí hiện, mùa Đông luyện 1000 hơi thở thì Hắc khí hiện, trong tĩnh cực, ngũ khí hiện xoay tròn trước tổ khiếu, cần dướn người thái dược mà bổ Dương Thần, sau đó bịt tai cúi người gập cổ cho dịch hoàn nguyên. Quyết yếu trong tu tập Ngũ Khí Triều Nguyên là 2 chữ Triều nguyên và Hoàn nguyên.
Sau khi tụ được hỏa ở đan điền có thể tập bài công pháp này, khởi hỏa và tịch chiếu vào ngũ tạng thì ngũ khí triều Tâm, khí mãn hóa dịch lại hoàn về Hạ Điền.
Sau khi kết Kim Đan mà thi hành công pháp này thì gọi là Ngũ Đan Luyện Khí. Chọn thời Tam Hợp mà Giao Long Hổ kết Đan thì sẽ sinh ra ngũ đan, sau chiếu Kim Đan phát khí mà luyện đến khi âm tiệt, các tạng có Chân Khí Thuần Dương, Chân khí của Thận, luyện cốt thân nhẹ như lông tơ, có thể thừa phong ngự vũ, Chân Khí của Can, luyện cân thật như ngọc, có thể đuổi theo ngựa đang chạy, Chân Khí của Tâm, luyện huyết trắng như cao, có thể vĩnh viễn chịu được nóng lạnh, Chân Khí của Phế, da thịt nõn nà như tuyết, có thể hoán cốt dịch hình, Chân Khí của Tì, luyện thịt cứng như đá, có thể hóa Khí như Kim.