Cái gọi là Đại Đạo, cao đến mức không gì ở trên, ngước lên mà nhìn, không gì cao hơn nó, không thấy được đầu của nó. Cái gọi là Đại Đạo, thấp đến mức tận cùng, không gì thấp hơn nó, cúi xuống mà xem xét, dưới nó không có gì, không thấy được nền móng của nó. Bắt đầu mà không thấy gì sau nó, cuối cùng mà không thấy gì trước nó.
Đại Đạo tịnh mịch hư vô, chợt động và sinh Thái Cực, ấy là Đạo sinh Nhất.
Nhất động diễn sinh 2 khí Âm Dương, ấy là Nhất sinh Nhị.
Dương khí thanh nhẹ bay lên làm Trời, Âm trọng trược nặng rơi xuống làm Đất, có cả Âm cả Dương là Người, ấy là Nhị sinh Tam.
Lý của Đất Trời là Âm Dương thăng giáng. Dương thanh nhẹ bay lên, Âm khí trọc rơi xuống. Âm khí trọc rơi xuống gặp Đất thì không xuống được nữa, thái cực và sinh Dương nên mọi cái mọc hoặc sinh ra từ Đất đều hướng lên Trời. Thanh khí bay lên gặp Trời không qua được, thái cực mà sinh Âm rơi trở về với Đất. Một Âm một Dương, một lên một xuống không ngừng vận hành giống như Nhật Nguyệt giao hoan vậy, nhờ đó mà vạn vật sinh thành.
Địa Khí đi lên, bay lên thì là mây, tán thì thành mưa. Thiên Khí hạ xuống, tán thì thành sương, ngưng thì thành móc. Tích Âm quá thì móc thành sương, thành tuyết, thành băng, mà tích Dương quá thì sương thành khói, thành mây, thành ráng. Trong Âm phục Dương, Dương Khí không đi lên, kích nhau mà sinh sấm sét. Trong Dương phục Âm, Âm Khí không hạ xuống, ngưng kết cứng chắc mà sinh mưa đá. Âm Dương không hợp, đối nhau thì sinh chớp điện, nên Hàn Nhiệt Ôn Lương là hình của Khí, Vân Vũ Vụ Lộ là tượng của khí.
Chiều diễn sinh từ Đại Đạo sinh Nhất, rồi Nhất sinh Nhị, Nhị sinh Tam, Tam sinh Vạn vật là chiều thuận hay chiều nhập thế, từ Tiên Thiên diễn sinh sang Hậu Thiên, càng diễn càng sinh, vạn vật theo đó mà thành hình và biến đổi không ngừng theo sự biến chuyển của Âm Dương (Dịch=biến chuyển), nên các pháp môn mà nền tảng dựa vào cơ số sau “3” như Tứ Trụ, Ngũ Hành, Bát Quái, 10 Thiên Can, 12 Địa Chi, 28 Tinh Tú, 64 quẻ Dịch… đều là Nhân Đạo hay Đạo Nhập Thế, đó là học và nương theo cái lý vận hành của Đất Trời mà “Hành” sao cho hợp với Thiên Đạo, cả đời ung dung tự tại mặc cho thế sự xoay vần. Nếu tu theo các Pháp này thì không giải thoát được, vì vẫn nằm trong vòng biến đổi của Âm Dương Ngũ Hành.
Người tu Đạo thì ngược dòng mà đi, luyện cho từ Tam về Nhị, Từ Nhị về Nhất và luyện Nhất nhập Đạo đó là con đường nghịch chuyển từ Hậu Thiên trở về Tiên Thiên. Tam là Tinh là Khí là Thần, luyện Tinh hóa Khí, luyện Khí hóa Thần, luyện Thần hoàn hư đó là con đường của Đại Đạo. Đó là con đường luyện Ngọc từ đất (kết Kim đan); kết Thánh Thai hay Chân Chủng tử, Mô Ni Châu; luyện cho Âm thần chuyển thành Dương thần, siêu thoát bản thể, thoát khỏi Âm Dương Ngũ Hành, đó mới thực sự là con đường của Đại Đạo.
Tích Chân Dương để thành Thần, mà cái treo trên trời là các vì sao. Tích Chân Âm để thành Hình, mà cái mạnh mẽ ở đất là đá. Cái tinh trong các vì sao là Nhật Nguyệt, cái quý trong đá là Ngọc. Đại Đạo thì giản đơn, thật ra cũng chỉ có luyện ra 2 thứ Chân Âm và Chân Dương, hay Nguyên Khí và Nguyên Thần. Luyện Thần gặp Khí mà kết thành Đan như Ngọc trong đất, rồi luyện cho hết Âm trở thành thuần Dương như ánh Nhật Nguyệt trên cao, có Hình thì là Mệnh, có Thần thì là Tính. Có Mệnh mà không có Tính thì luyện ra Sa ra Cát đâu phải Ngọc mà gọi Kim Đan, có Tính mà không có Mệnh thì như ánh chớp, lóe lên cái rồi tắt, đâu thể tồn. Tính Mệnh ắt phải đồng tu.