Luyện Kỷ trước hết là Hàng Long.
Không Hàng Long thì không thể Phục Hổ, không Phục Hổ thì Chân Khí không sinh thì tu tập có nghĩa lý gì, 10 năm 20 năm cũng vô ích. Đời người sét cho cùng thì thời gian chủ yếu của người tu tập là Luyện Kỷ Trì Tâm chứ không phải là thời gian thiền định tu tập công pháp. 10 người công pháp như nhau nhưng người thành người bại, người nhanh người lâu đều là do công phu Luyện Kỷ Trì Tâm quyết định. Đa phần người tập toàn chú trọng vào Công pháp và quên mất Tâm pháp, chú trọng vào Hình tướng và Kỹ thuật mà không chịu rèn tâm nên thành quả thường có hạn hoặc tu mãi không tiến bộ, thậm chí còn đi xuống. Thành tựu của tu tập cuối cùng là thành tựu ở Tâm chứ không phải là biết kỹ thuật gì, học được bao nhiêu pháp, tu được bao nhiêu phép.
Hàng Long là chế ngự được Chân Hỏa trong Tâm, không cho Hỏa khí bốc lên, cũng có nghĩa là chế ngự được Thức Thần.
Hỏa, một khi bốc lên nhẹ thì mờ mắt, nặng thì thiêu trụi lý trí, mất kiểm soát bản thân, có tu tập thì những lúc như thế dễ dàng bị nhập ma. Tu càng cao hỏa càng mạnh, cháy càng khủng khiếp, ví như lửa của củi khô khác với lửa khi cháy rừng và càng khác với lửa do đất đá, sắt thép cháy (núi lửa), một khi bùng lên thì chả còn gì ngoài một đống tro tàn. Tẩu Hỏa Nhập Ma chính là không kiểm soát được Hỏa khí khi tu tập.
Hỏa, khi mất kiểm soát thì trở nên hung hăng và tàn phá mọi thứ nên được ví như Long, Hàng Long là thuần hóa Hỏa khí này. Hỏa không được thuần như suối đầu nguồn sục sôi, cuốn đi tất cả, xói mòn tất cả, chẳng thể xây được cái gì, một khi được kiểm soát thì lại hiền hòa như suối vùng hạ lưu, yên bình và là nơi lắng lại phù sa nuôi dưỡng vạn vật, không hàng được Long thì không phục được Hổ, nên người đời muốn tu tập trước hết phải biết cách Hàng Long, giữ cho tâm tính hiền hòa, vui vẻ, đừng nóng giận hay quát tháo người khác.
Có một điều khá thú vị là một khi kiểm soát được Hỏa khí này, thì nó lại đốt hết sự nóng giận ở người khác, đốt hết trược khí, âm khí, tà ma quấy nhiễu, thậm chí đốt hết cả Tham, Sân, Si hay luyện nên tấm thân bất tử như Tôn Ngộ Không (Tam Muội Chân Hỏa).
Đối với người đã tu tập Mệnh Công, thì đưa Chân Thủy (Ngọc Dịch, Kim Dịch) chảy thẳng vào Tim, nhờ có Chân Âm này mà Chân Hỏa trong Tâm nhanh chóng bị dập tắt và Tim lúc nào cũng mát mẻ như đặt trong tủ đá, người tu tập tim hơn người thường 1 lỗ chính là ý này 😀
Ở mức độ cao hơn, Luyện Kỷ là luyện cho Tâm vô lậu.
Tâm còn lậu là Tâm của Hậu Thiên, là Giả Tâm. Tâm vô lậu là Tâm Tiên Thiên, là Chân Tâm. Đạo Tu Chân là Đạo bỏ Giả tìm về Chân, nên muốn Tu Chân trước hết phải có Chân Tâm, giống như luyện ngọc trước hết phải có cái tâm sáng như ngọc vậy.
Như nào là tâm vô lậu ? là không khởi lên ý, tưởng và niệm, tịch mịch như nhiên, vô tư vô lự.
Làm sao để đạt được tâm vô lậu ? là không tẩu lậu Tinh, Khí và Thần.
Như nào là Tẩu lậu Tinh ? là không khởi lên ý, tưởng, niệm do Thân, Thân là thực thể vật lý như thân thể, tay chân, mặt mũi,… ví như khó chịu khi không có điều hòa, ví như không ngủ được do không có đệm, ví như không đi xe xấu,… hễ cứ khởi lên một ý, một tưởng hay một niệm thì đều là tẩu lậu Tinh. Có điều hòa cũng tốt, không có điều hòa cũng không sao, có đệm cũng tốt, không có đệm ngủ vẫn ngon, xe đẹp cũng đi mà xe xấu cũng không từ chối, tâm đón nhận hết thảy một cách vui vẻ mà không gợi lên một suy nghĩ nào, đó là không tẩu lậu Tinh, không bị phụ thuộc vào Hình và Tướng, những thực thể thuộc về Dục Giới.
Thế nào là Tẩu lậu Khí ? là không khởi lên ý, tưởng, niệm do các chức năng của các bộ phận cấu thành của Thân như tai để nghe, mắt để nhìn, mũi để ngửi, miệng để nói,… ví như quát mắng, nói những lời tào lao vô nghĩa, ví như khởi lên sự khó chịu khi nghe những lời mình không muốn nghe, ví dụ như bực mình khi nhìn thấy những thứ không như ý,… thì đều là Tẩu lậu Khí, là đang bị phụ thuộc vào Cảm và Thọ của Thân thuộc về Sắc Giới.
Tẩu lậu Thần là gì ? là không khởi lên ý, tưởng, niệm do hậu quả trong quá khứ và kết quả trong tương lai như đau khổ, tủi thân, lo lắng, suy nghĩ, bất an, sợ hãi, tội lỗi, nghiện ngập,… những thứ không hình không tướng, thì đều là Tẩu lậu Thần, thuộc về Vô Sắc Giới.
Phân chia chỉ là tương đối, vì đối với 1 ý, 1 tưởng hay 1 niệm khởi lên, có thể gây tẩu lậu cả Tinh, Khí và Thần. Còn tẩu lậu là còn cái Tâm phân biệt, còn tẩu lậu là còn “phải thế này, phải thế kia”, còn tẩu lậu là còn phụ thuộc vào hoàn cảnh bên ngoài, còn tẩu lậu là còn ôm vào thân những thứ vô hình. Giữ cho tâm không phân biệt, chấp nhận và vui vẻ với mọi hoàn cảnh, biết buông bỏ và hướng vào bên trong, giữ cho tâm mình hồn nhiên, vô tư và trong sáng là những phương pháp đơn giản để không khởi lên những suy nghĩ làm tẩu lậu Tinh, Khí, Thần. Tâm không bị ràng buộc thì cũng không bị Vô Minh che mờ, khi đó Chân Tâm sẽ hiện, sáng trong soi rõ con đường Đại Đạo.
Tu tập mà không Luyện Kỷ thì không khác gì lấy giỏ đựng nước, vào bao nhiêu ra bấy nhiêu, tu cả đời cũng không đạt được cái gì. Người đang tẩu lậu Tinh, Khí Thần mà biết cách đoạn tẩu lậu giống như đắp đập ngăn sông, thì nước tự dâng lên, tu đâu được đấy, đường đạo như cách buồm no gió, làm chơi ăn thật, như khách phiêu bồng khách, tiêu dao, đủ đầy.
Lửa thử vàng, gian nan thử sức, Tâm chưa qua cọ rửa ở Đời thì cũng yếu ớt như cành cây ngọn cỏ, rung lắc vài lần thì bung tận gốc, trốc tận rễ chứ nào có bền chặt chi ? huống hồ cơm áo gạo tiền đâu phải là việc nhỏ. Xa rời chốn ồn ào mà tìm thanh tĩnh, thanh rồi, tĩnh rồi mà quay lại chốn xô bồ mà tâm như con sóng vỡ tan tành thì cũng chỉ là cái tâm chết mà thôi. Xưa Lã Tổ sống giữa chốn lầu xanh mà như Sen đâu có nhiễm mùi bùn ? Tâm phải cái tâm ấy, bất biến, bất nhiễm, thì mọi thứ xung quanh lại xoay quanh mình (Đạo Tâm) mà hình thành nên Hạt Nhân của việc tu tập, giống như con quay, khi nó tự quay thì nó tự đứng vững, những vật tác động vào đều bị bắn trở ra, giữ Tâm nó phải sống như vậy mới gọi là Trì Tâm. Đạo Tâm tan vỡ thì Đường Đạo cũng sụp đổ, giống như trái đất ngừng quay, trái tim ngừng đập, không có gì khác biệt.