Như quả bóng bay, nếu cắt đứt sợi dây, nó sẽ bay lên nếu nhẹ và rơi xuống đất nếu nó nặng. Buông là để làm cho mình nhẹ đi, để lên được tầng thứ cao hơn, thanh hơn.

Bóng bay sẽ bền lâu ở đúng chỗ của nó, nó mà nhẹ mà bắt nó ở dưới thấp hoặc nếu nó nặng mà lại đưa lên cao thì lúc nào cũng cần phải có lực neo nó lại (sợi dây), và điều quan trọng hơn, trong cả hai trạng thái đó, lúc nào nó cũng bị môi trường xung quanh dồn ép nên lúc nào cũng phải tiêu hao năng lượng để chống đỡ, sẽ rất mệt mỏi.

Buông bỏ là trả lại trạng thái tự nhiên như nó vốn có, không cần phải cố gắng, nâng đỡ, níu kéo hay mang theo những gánh nặng vốn không thuộc về mình.

Nếu ở đúng chỗ của nó, năng lượng tự cân bằng, và khi đó nó hòa hợp với môi trường xung quanh.

Buông bỏ đơn giản nhất là thả lỏng cơ thể, thả lỏng như kiểu mất quyền kiểm soát hệ cơ và để đống thịt treo tự do trên xương cốt của mình.

Cao hơn đó là biết buông bỏ quá khứ, nhất là những nổi đau và sân hận, thù hằn.

Cao hơn nữa là biết buông bỏ tâm thức để khỏi chạy theo những suy nghĩ, tính toán đời thường, dục vọng cá nhân.

Sau cùng là buông bỏ đi những kiến thức, sự trải nghiệm, sự thành công, buông bỏ thân, buông bỏ pháp.

Sau cuối là biết buông tâm, tâm buông thì Thức thần không còn, chỉ còn tịch mịch hư vô.

Buông bỏ là một quá trình tự nhiên không phải là sự cưỡng cầu vứt đi đầy tiếc nuối, buông bỏ là trạng thái của Tâm không vướng bận. Buông bỏ là trở về với Chân Như. Buông đao thành Phật ý là như thế.

Buông bỏ khác với từ bỏ, vứt bỏ hay khinh bỏ. Buông bỏ tiền không có nghĩa là không được kiếm nhiều tiền, Buông bỏ danh vọng không có nghĩa là không được làm quan làm sếp. Nhắc lại Buông bỏ là trả lại trạng thái tự nhiên như nó vốn có, ở đâu thì về đó.

Chưa cần phải làm gì, nếu biết buông bỏ và thực hành buông bỏ thì 70% các vấn đề trong cuộc sống của chúng ta đã được giải quyết.

Buông Bỏ

Leave a Reply

Your email address will not be published. Required fields are marked *