Tứ Trụ nghĩa là bốn trụ cột của Đạo. Phải thấu được bốn điều cốt lõi này để không xa rời Chân Đạo của chính mình, không xa vào bàng môn tả đạo, bốn điều đó là:

Thứ nhất là lấy Vô Lậu làm tông.

Bản thể của Pháp giới là chính là thanh tịnh không nhiễm, không có chánh không có tà, không có đúng không có sai, không có tốt không có xấu, không có hơn không có kém, người đời thường chấp vào bốn cái này mà điên đảo làm che mờ đi Pháp Giới của mình.

Vô Lậu nghĩa là trong khi đối cảnh mà tâm không không khởi lên bất cứ suy, nghĩ, tưởng, niệm nào; không có tẩu lậu, không có cấu uế. Một niệm khởi lên, trùng trùng duyên khởi, mây mù che kín đấy là đã xa rời Pháp Giới của chính mình.

Vô Lậu cũng không có nghĩa là không có niệm mà trong khi niệm lòng không động niệm, niệm này là niệm không phải khởi từ lục căn khi đối cảnh mà là niệm khởi từ Chân Tâm, rất dỗi hồn nhiên, vô tư và trong sáng. Niệm khởi lên, lục căn đều biết nhưng không bị nhiễm, cũng trùng trùng duyên khởi nhưng không phải mây mờ che đi Bản Tâm của mình mà là Tự Tánh khởi phát xua đi mây mờ che phủ, xóa đi vô minh, giúp cho chúng sanh thấy rõ Chân Tâm của mình.

Thứ hai là lấy Vô Hình làm thể.

Đây chính là phép Hư Không Luyện Hình. Vô Hình nghĩa là không còn hình tướng. Vô Hình nghĩa là ở trong Hình Tướng mà ly khai các Tướng, không bị các Tướng hữu hình ngăn trở.

Lão Tử dạy “Nội quan kỳ tâm, tâm vô kỳ tâm; ngoại quan kỳ hình, hình vô kỳ hình”. nghĩa là “Nhìn vào trong tâm, tâm không có tâm; nhìn ra ngoài hình, hình không có hình”. Hình không có hình chính là Thân không. Tâm không có tâm chính là tâm Không. Tâm không trở ngại thì Thần càng luyện càng linh. Thân không trở ngại thì Hình càng luyện càng thanh. Luyện cho tới khi Hình và Thần dung hợp với nhau, thân và tâm hợp nhất, thì mới gọi là Hình Thần Câu Diệu, đắc được thân thể thật của chính mình.

Bởi không có suy, nghĩ, tưởng, niệm nên Tướng không hiển lộ, Thọ cũng không, Tưởng cũng không, Hành cũng không, Thức cũng không, Ngũ uẩn đều giai không, Lục Hợp đều không. Không còn cái gì là ta, tức Pháp Giới hiện tiền; không còn cái gì là không ta thì chính là Pháp Thân ta vậy.

Thứ ba là lấy Vô Trụ làm gốc.

Vô Trụ tức là không chấp vào Hữu, không chấp vào Vô, nhưng cũng không xa rời cái Hữu và cũng không trụ ở cái Vô, nếu không sẽ nhốt vào Hữu vi hoặc lạc vào ngoan không:

Ở đời nhập Đạo không chấp Hữu
Xuất thế vào Không chẳng trụ Vô.

Vô trụ nghĩa là ở đâu cũng không bị trói buộc, khi nhập thế ở đời thì không bị đời nó nhiễm như sen ở trong nước mà không bị ướt, sống trên bùn mà không bị nhiễm cái hôi tanh của bùn. Khi xuất thế vào Không cũng không lạc vào ngoan không, chấp vào cái vô vô, ở đâu cũng tùy tâm sở dục không xa rời cái Bản Tính Thanh Tịnh của mình.

Vô trụ cũng là thoát khỏi các Pháp, không nên để cho Pháp trói buộc mình, không nên dừng lại ở một pháp hữu vi cụ thể nào, vì sao vậy? vì Đạo thường chuyển liên tục như chu thiên xuyên qua Tam giới Hữu Vô, tại sao lại dừng lại? Chấp chẳng qua là dừng lại, là kẹt lại mà thôi. Khác với các vị tự nhận là mình đắc đạo, nhưng niệm niệm khởi sinh, tà kiến nhờ đó mà bùng phát, mở miệng là chê pháp khác tà, chỉ có pháp mình là chính, chỉ thấy pháp mình hay mà thấy các pháp khác là dở, đó là tự mình trói mình, tự mình ràng buộc mình mà thôi, các vị đâu biết Đạo vốn không hai, còn Pháp thì luôn luôn không chỉ có một (Pháp bất nhất, Đạo bất nhị).

Lữ Tổ nói “Tĩnh vô vi, Động thị Sắc” Sắc này không phải Sắc của Sắc Tướng mà là Sắc của Diệu hữu, là Chân Sắc, là cái Sắc vô hình, là cái Động của Tiên Phật khi phổ độ chúng sinh, bố thí Pháp, phân phát Từ, Bi, Hỷ, Xả. Nên đã vào Vô thì cũng không trụ ở Vô mà lại đi vào Hữu mà dạy dỗ, dẫn dắt phàm phu, khi ấy gặp chúng sinh nào các Ngài hóa thân làm bạn làm thầy của chúng sinh đó, trong vạn cảnh, Tùy thời mà biến hóa, thể hiện cái Pháp Thân của mình, trong mỗi cảnh đều biểu hiện ra một phần của Pháp Giới nhập vi, đấy chính là Hóa Thân của ta vậy.

Thứ tư chính là Vô Tác, lấy tự nhiên nhi nhiên làm dụng.

Đạo của Thiên Địa là Đạo của Tự nhiên, tự nhiên được tự nhiên thành, khi co thì thành Một, khi duỗi thì thành Ba, Vô Lậu cũng là Vô Trụ, Vô Trụ cũng là Vô Hình, Vô Hình cũng là Vô Ngã, Vô Ngã thì là Vô Tạo tác, mọi cái chỉ là cái dụng của Tâm.

Người còn tạo tác là người chưa thấy được sự hoàn mỹ của Đạo, mà thấy cần phải làm cái này, chỉnh cái kia mới hoàn mỹ, biết đâu đấy là cái Ngã của mình. Tiên Phật thi hành Đạo không để lại bóng, làm mà như không làm ấy mới thật là Tự Nhiên Chi Đạo.

Cuối cùng, Đạo không phải là cái để biết, mà là cái để hành, không phải là ở câu chữ, mà là ở sự trải nghiệm thực tế của bản thân. Tự mình tu, tự mình hành, tự mình thành Chính Quả.

Tứ trụ

Trả lời

Email của bạn sẽ không được hiển thị công khai. Các trường bắt buộc được đánh dấu *