Thái Cực hình thành, Nhất Khí phân 2, Dương thanh nhẹ bay lên làm Trời, Âm trọng trược rơi xuống làm Đất. Quá trình hình thành Đất Trời trải qua 3 lần biến dịch như sau:
Thiên nhất sinh thủy, Địa lục thành chi;
Địa nhị sinh hỏa, Thiên thất thành chi;
Thiên tam sinh mộc, Địa bát thành chi;
Địa tứ sinh kim, Thiên cửu thành chi;
Thiên ngũ sinh thổ, Địa thập thành chi.
Dịch có nghĩa là Dương tiến thì Âm thoái, Dương trưởng thì Âm tiêu. Dịch là sự vận hành của Thái Cực.
Biến đầu tiên, Nhất khí thanh nhẹ bay lên làm Trời, khí mãn hóa dịch rơi xuống thành Đất, Đất Trời mỗi thứ được 1/3.
Biến thứ 2, cùng một lúc, ở Địa sinh Hỏa mà Thiên được thêm 1/3, ở Thiên sinh Mộc mà Đất thêm 1/3. Đến lúc này thì Thiên đã được 2/3, Địa đã được 2/3.
Biến thứ 3, cùng một lúc, ở Địa sinh Kim mà Thiên được thêm 1/3, ở Thiên sinh Thổ mà Đất thêm 1/3. Đến lúc này thì Đất và Trời đã đủ, chính thức thành hình. Trời đủ 9 tầng (Thiên Cửu) và Đất đủ 10 phương (Địa Thập).
Đất Trời thành hình, Càn Khôn định vị mà phân ra ngũ phương là Đông Tây Nam Bắc và Trung Ương, khí của mỗi phương tương ứng với một Hành, 5 phương ứng với Ngũ Hành Ngũ Khí. Toàn bộ quá trình hình thành Đất Trời này được ghi lại thành hình tượng và những con số với tên gọi là Hà Đồ và Lạc Thư.
Qua 3 lần biến dịch mà Càn Khôn biến hóa mà sinh ra tam nam và tam nữ, tam nam là trưởng nam Chấn, trung nam Khảm, thiếu nam Cấn, tam nữ là trưởng nữ Tốn, trung nữ Ly, thiếu nữ Đoài. Đây là nguồn gốc của Bát Quái Tiên Thiên, mô phỏng lại quá trình biến đổi hình thành trời đất. Con người đa phần là âm, chỉ có chút chân dương như thiếu nữ Đoài, nhận thêm 1 Dương mà Đoài lớn thành Ly, Ly nhận thêm 1 Dương mà lớn thành Tốn, Tốn nhận thêm 1 Dương nữa mà lớn thành Càn. Người tu đạo dựa vào đây, nhận đủ Tam Dương mà trở về Càn.
Khởi đầu của mọi sự là Thiên Thủy và Địa Hỏa, Đạo của Trời lấy Càn làm thể, lấy Dương Hỏa làm dụng, tích khí bên trên, Đạo của Đất lấy Khôn làm thể, lấy Âm Thủy làm dụng, tích thủy bên dưới. Thủy Hỏa tương giao, Âm Dương thăng giáng mà vận hành Đại Đạo diễn sinh vạn vật. Địa Khí đi lên, bay lên thì là mây, tán thì thành mưa. Thiên Khí hạ xuống, tán thì thành sương, ngưng thì thành móc. Tích Âm quá thì móc thành sương, thành tuyết, thành băng, mà tích Dương quá thì sương thành khói, thành mây, thành ráng. Trong Âm phục Dương, Dương Khí không đi lên, kích nhau mà sinh sấm sét. Trong Dương phục Âm, Âm Khí không hạ xuống, ngưng kết cứng chắc mà sinh mưa đá. Âm Dương không hợp, đối nhau thì sinh chớp điện, nên Hàn Nhiệt Ôn Lương là hình của Khí, Vân Vũ Vụ Lộ là tượng của khí.
Con người cũng bắt trước nương theo sự vận hành của Đất Trời mà vận hành Khí Dịch trong thân, một lên một xuống, một âm một dương, thăng thăng gáng giáng chẳng bao giờ ngừng nhờ đó mà trường tồn cùng Thiên Địa.