Mệnh có gốc từ Nguyên Khí, Tính có gốc ở Nguyên Thần, Đạo tu Mệnh nên khởi từ Khí, còn nhà Phật thì trực chỉ Chân tâm để kiến Tính, vậy hai con đường này sẽ diễn sinh như thế nào và đi đến đâu ? Mình sẽ nêu thật vắn tắt để cho ai lười tìm hiểu có được cái nhìn tổng quan.
Tính là Nguyên thủy Chân như, là những gì còn lại sau khi lột bỏ đi hình tướng bên ngoài, là cái bất biến, như là, vốn có và vô ngã.
Với con người, nhà Phật coi Tính chính là Phật tính, là Chân như, là Pháp thân Như lai, là thể của vũ trụ (Pháp giới) vốn tồn tại sẵn có trong mỗi con người nhưng bị Tham Sân Si Mạn Nghi che lấp, quá trình tu tập là quá trình lột bỏ và trở về quy với Nhất, đó là con đường thực hành Bát chánh đạo, tham thiền Tầm Tứ Hỷ Lạc Nhất tâm (5 cấp độ của thiền).
Tùy theo sự thức tỉnh của Phật tính mà chia chúng sinh thành 15 giới, trong đó các giới sau con người là: 3 cõi trời (dục giới, sắc giới và vô sắc giới), 4 cõi thánh (Nhập Lai 25% Phật tính, Nhất Vãng Lai (50%), Bất Lai (75%) và A la hán (100%) và 3 bậc Tam tôn (Bích Chi Duyên Giác, Bồ tát và Như Lai).
Bởi quá uyên thâm và lại có một nên cũng rất khó cho người tu tập đắc được quả vị trong một kiếp người, vì thế 1 dòng phát triển theo hướng tu tập để sau khi chết trở về thế giới cực lạc (niết bàn) rồi tiếp tục tu tập tiếp, quả vị cao nhất trong 1 kiếp chỉ đến A la hán (Đại thừa), một hướng dành cho những người có căn cơ hoặc đã tu tập ở kiếp trước tu tập và thực hành con đường Bồ tát hạnh để đắc Như lai (Tiểu thừa).
Đối với Đạo gia, Mệnh bắt đầu ở sinh và kết thúc ở tử. Truy tới bản nguyên, khởi thủy chỉ có một khí ngưng tập, hỗn hỗn mang mang, thâm túy khôn lường, tương hỗ hóa sinh, bao hàm vạn Linh, tận kỳ thần diệu, đó là Nguyên Khí, đó là Đạo.
Khi đất trời bắt đầu thì một khí động năng, sinh ra phép tắc tự nhiên của vũ trụ, đó là Đạo sinh Nhất. Bản nguyên của Trời Đất là Thái cực, một khí chia hai thành Âm Dương, thế giới tùy tiện phân hóa, đó à Nhất sinh Hai. Âm Dương đã tách biệt thế là có Trời Đất, có con người, thế là Nhị sinh Tam.
Khí Dương thanh khí bay lên, sáng láng rực rỡ sinh ra Nhật Nguyệt Tinh Thần. Khí hợp với Trời cho nên có Phong Vân Lôi Vũ. Khí Âm trọng trọc, ngưng trệ xuống đất thành Sông Núi, Thảo mộc tốt tươi. Và trong cõi Đất Trời, Âm Dương giao hoán sinh ra Thánh Hiền Tiên Phật, và các loài Thai Noãn Thấp Hóa thế là Tam sinh vạn vật.
Con người nhờ hai khí Âm Dương hun đúc mà thành, nhưng trong cuộc sống, chân Dương không ngừng bị giảm sút nên quẻ Càn không còn là Càn mà biến thành Ly, Khôn biến thành Khảm. Đạo gia tìm ra phép Thủ Khảm Điền Ly (Thủy Hỏa Ký Tế) mà thay hào âm trong quẻ Ly bằng hào dương quẻ Khảm cho Ly trở thành thuần Càn như cũ, thế là bổ túc được Càn Nguyên, phục hoàn được hỗn độn, toàn vẹn lại được bản tính phú bẩm của Trời.
Điểm mấu chốt của Đạo gia đó là phải đắc được Huyền Quang khiếu, để đoạt được khí tiên thiên của Đất Trời, đúc Kim Đan, kết Thánh Thai và thế là Chân nhân hiện, biến hóa vô cùng, ảo diệu phi thường, thọ ngang trời đất.