Thân người là tiểu vũ trụ, đương nhiên tiểu vũ trụ và đại vũ trụ phải có gì đó tương đồng. Khi sống tâm của chúng ta đang trú ở đâu thì khi chết đi chúng ta sẽ về đúng với nơi ấy, mà tùy theo tên gọi chúng ta gọi đó là cõi, là giới, hay là các tầng năng lượng.

Sự tiến hóa của tâm thức đi từ dưới lên trên, từ thấp lên cao, dọc theo cái trục mà người là gọi là cột sống, phía cuối tận cùng là xương cụt là địa cung, phía trên là trời là thiên cung.

Khởi đầu của sự tiến hóa, bậc thấp nhất đó là cỏ cây hoa lá, tương ứng với tâm thức của chúng ta quanh quẩn vùng xương cụt, đó là chỉ có Sắc Dục. Giống như cỏ cây ngoài sinh trưởng và phát triển thì cũng chỉ còn biết mỗi một thứ duy nhất đó là duy trì nòi giống. Tâm thức con người chỉ quanh quẩn ở Sắc Dục, khi chết đi chắc chắn trở về với đáy của Địa cung, là Địa Ngục không sai.

Ở tầng cao hơn, đó là tâm thức của muông thú, tương ứng với tâm thức của chúng ta quanh quẩn ở vùng bụng, khu vực có chứa các bộ phận chủ yếu phục vụ quá trình ăn uống. Không giống như cỏ cây hoa lá, đó là không quyết định được chỗ để sống, thức để ăn, muôn thú có thể tự do di chuyển và tìm kiếm thức ăn. Nếu tâm thức của chúng ta suốt ngày cũng quanh quẩn chuyện kiếm miếng ăn, chuyện mưu sinh thì sau khi chết cũng sẽ không thể về các cõi cao hơn được. Có thể tự di chuyển, làm những việc mình muốn, thì quan trọng nhất là chúng ta có sự trú tâm đúng đắn, chúng ta chú tâm vào tiền chúng ta sẽ bị chạy theo tiền, chúng ta chú tâm vào quyền thì sẽ bị quyền dẫn dắt, chúng ta ngụp lặn trong đau khổ tủi cực thì cái có được cũng chỉ là sự thương hại mà thôi, không đưa mình lên các tầng thứ cao hơn được. Một điểm nữa là con vật dù có no cũng không chịu chia sẻ thức ăn cho con khác, tính tư hữu rất cao, nhất là lãnh địa của mình.

Khi vượt qua được chuyện ăn uống và mưu sinh, chúng ta lên một tầng cao hơn đó là ái, tương ứng với tâm thức của chúng ta ở vùng ngực, nơi có trái tim ngự trị. Có lẽ đây là đặc trưng chủ yếu của con người. Xét cho cùng, mọi cái ta làm cũng chỉ để người khác ghi nhận mình và cái mình cần cuối cùng cũng chỉ là yêu và được yêu mà thôi. Tiếc là con người trong quá trình làm cho mình trở nên đáng yêu và để được người khác yêu thì lại toàn làm ngược lại. Ví muốn được người yêu nên sinh ra đủ thứ sợ mà trước đó ở muông thú không có như sợ béo, sợ gầy, sợ không đủ xinh nên bôi thêm son thêm phấn, rồi đeo thêm vàng thêm bạc, rồi đeo thêm các thương hiệu nổi tiếng, càng nhiều nỗi sợ thì bản thân họ càng mất đi sự tự tin vào bản thân, dần dần lại phụ thuộc vào mấy thứ bên ngoài, thân tâm mục nát trống rỗng. Bởi yêu nên sinh ra si, cũng bởi yêu nên sinh ra sân ra hận, đều là chuyện chỉ con người mới có.

Qua được ái, người ta bắt đầu quan tâm đến cộng đồng, đến môi trường xung quanh, tương ứng với tâm thức của chúng ta ở vùng đầu cổ, nơi có cái miệng, cái mũi xinh xinh. Bản chất của miệng và mũi là để chúng ta giao tiếp với cộng đồng, với môi trường, với vũ trụ, giao tiếp là để giao hòa, để hòa mình vào vũ trụ, tiếc là chúng ta lại sử dụng chúng sai mục đích quá nhiều. Chúng ta nói xấu, phồng mang trợn mắt, quát này tháo nọ thì chúng ta cũng kết nối với trường năng lượng xấu, điều đó không làm cho mình thêm đẹp thêm mà còn kéo mình sâu xuống các tầng phía dưới.

Để đạt đến tầm tâm thức cao nhất, con người cần phải vượt qua chính bản thân mình, đó chính là vượt qua chính bộ não và tiềm thức của mình. Trong cuộc sống, chúng ta cố gắng để thu thập kinh nghiệm, kiến thức, rồi toan rồi tính nhằm thiết lập một chuẩn mực, một trật tự mà vai trò của mình là độc tôn đầy bản ngã, đáng tiếc là chúng ta xây càng chắc thì càng khó vượt qua, vô tình chúng ta xây luôn nấm mồ và nhốt mình trong đó.

Bình thường chúng ta phân chia nhỏ tâm thức của mình ra, mỗi chỗ đặt một ít, ở đâu và như nào chỉ bản thân mình tự biết, việc tiến lên các tầng tâm thức cao hơn hay không cũng do mình quyết định.

Bản thân đang sống mình trìm đắm trong Sắc Dục, trong Ăn uống thì chắc chắn khi chết đi cũng không thể mong về các cõi trên cao đó là điều hiển nhiên.

Ngay lập tức chúng ta có thể nhảy lên các tầng tâm thức rất cao, nhưng chỉ một thời gian rất ngắn, qua vài lần rung lắc ở đời thì chúng ta lại về đúng với vị trí của tâm mình mà thôi, chúng ta nên đi từ dưới lên trên, từ dễ đến khó, cái dưới vững chắc làm nền tảng cho cái ở trên thì mới bền vững gốc đạo, đi đến đâu chắc đến đấy. Ở tầng 1 chúng ta chỉ cần giữ vững sự vô tư và trong sáng thì sẽ không bị phụ thuộc vào Sắc Dục, tầng 2 chúng ta có sự trú tâm đúng đắn, trở nên hào phóng và rộng lượng thì cũng nhanh chóng vượt qua (tốt nhất là trú tâm vào Đạo), tầng 3 chúng ta cần xóa bỏ đi mọi sự sợ hãi trong tâm và làm đầy mình bằng sự tự tin rồi mở lòng yêu thương không có điều kiện thì sẽ nhanh chóng vượt qua, ở tầng 4 trong giao hòa với vạn vật, chúng ta không nên để lại tẩu lậu và ở tầng cuối cùng chúng ta cần buông đi mọi thứ đã xây, bỏ đi mọi thứ đã gom, đó là bỏ giả về với chân, về với Đại Đạo.

P/S: Nói chuyện sau khi chết là chuyện xa vời, nhưng nói về văn hóa thì các nước văn minh người ta quan tâm nhiều hơn đến các vấn đề của cộng đồng, trong khi các nước kém hơn thì quan tâm nhiều đến các nhu cầu cá nhân, còn một số nước thì đang có xu hướng rơi xuống tầng 1.

Sự Tiến hóa của Tâm Thức

Leave a Reply

Your email address will not be published. Required fields are marked *