Nói về văn hóa phương đông người ta không thể không nói đến tam giáo: Phật giáo, Đạo giáo và Nho giáo vốn đã rất thịnh hành và thống trị hơn hai ngàn năm qua.
Mỗi thời kỳ, do yếu tố chính trị, mà Phật, Đạo hay Nho giáo chiếm vị trí độc tôn và bài xích các giáo khác còn lại, rồi cũng có thời như nhà Đường, nhà Tống, thì tam giáo lại hòa vào với nhau thành một thể và phát triển rực rỡ chưa từng có.
Ngày nay, các giá trị được truyền bá đã đi quá xa cái gốc ban đầu, và do sự sáng tạo vô biên của con người, các giá trị này đan xen và hòa lẫn vào nhau hình thành nên triệu triệu sắc thái khác nhau khiến cho kẻ học đạo ngày nay không biết đường nào mà đi, dây nào mà lần, rất dễ lạc lối hoặc cứ đi loanh quanh không ra được đường lớn.
Khởi thủy xa xôi, vốn có một cái hình tròn, vốn là thiên địa vạn vật đồng nhất thể – Bản thể, Phật nhìn thấy thì bảo là Chân như, Viên Giác, Đạo nhìn thấy thì bảo là Linh Đan, Nho nhìn thấy thì bảo là Thái cực, từ ba cái nhìn đấy mà diễn sinh ra tam giáo bây giờ.
Đạo thì cho vạn vật đều gốc ở Đạo, cuộc đời là cuộc phù vân, hơi đâu mà để chí lo nghĩ, người ta chỉ nên cùng với Đạo mà vui chơi trong tạo hóa, không cần chi đến nhân, nghĩa, lễ, trí, không thiết gì đến pháp luật chế độ, sống tiêu dao tự tại như khách phiêu bồng, siêu phàm thoát tục. Phật thì cho rằng vạn tượng là do Chân như mà ra, sắc với không cùng là một, sự sinh sinh hóa hóa là cái vọng niệm, chứ không phải là thực. Cái thực là Chân như. Khác nào như trăm nghìn ngọn sóng sôi nổi ở trên mặt nước, nhưng chung qui vẫn chỉ có nước là thực. Người ta phải tìm cho thấy cái thực ấy mà quay trở về gốc cũ, để ra thoát khỏi vòng sinh tử, tức là đến niết bàn thì hết cả mọi sự khổ não. Nho thì cho sự biến hóa ở trong vũ trụ là do sự nhất động nhất tĩnh của Thái cực mà sinh ra. Vạn vật đã phát hiện ra là thực có, thì chi bằng cứ theo cái thực ấy mà hành động mà sinh tồn. Vậy nên người ta ai cũng phải theo những điều ấy mà an vui trong cuộc sinh hóa. Chính vì thế mà Phật và Đạo là pháp xuất thế, trong khi Nho là pháp chủ nhập thế. Nho giáo nhìn thấy sự vận hành của vũ trũ nên chủ chương nương theo Thiên lý (đạo của trời) mà hành, tìm thấy niềm an vui trong cuộc sống mà hành đạo giúp đời (làm việc nghĩa).
Tam giáo, sinh rồi diệt, hợp rồi ly, xích rồi bài, trải qua 2000 năm xây rồi đập, đập rồi xây, đến ngày nay đã là một rừng cây trăm hoa đua sắc, tuy nhiên nhìn kỹ, cây bụi thì nhiều, dây leo thì lắm, cứ chằng chịt quấn vào chân, xuất không được nhập không xong, đúng là bi ai thay cho kẻ học đạo./.